A a – B b – C c – D d : Khi nào đọc là “a, bê, xê, dê” và khi nào thì đọc “a, bờ, cờ, dờ” ?

A a – B b – C c – D d : Khi nào đọc là “a, bê, xê, dê” và khi nào thì đọc “a, bờ, cờ, dờ” ?
Câu hỏi đơn giản vậy đó, nhưng có khá nhiều bạn không đưa ra được câu trả lời thực sự rõ ràng và mạch lạc. Nếu bạn muốn thử xem kiến thức của bản thân về vấn đề này như thế nào thì tạm dừng đọc những dòng tiếp theo của bài viết này. Sau đó ghi ra giấy cách lập luận của mình, rồi đối chiếu với sự kiến giải của tôi bên dưới thử xem nhé.
Trước hết, chúng ta cần biết rằng “a, bê, xê, dê” là tên của các con chữ A a, B b, C c, D d, còn “a, bờ, cờ, dờ” âm đọc.
Vậy khi gọi tên, đặt tên cho đối tượng nào đó thì chúng ta đọc là “a, bê, xê, dê”, còn khi phát âm thì “a, bờ, cờ, dờ”. Chẳng hạn:
– Khi bạn đặt tên/ gọi tên một hình tam giác ABC thì phải đọc là tam giác “a, bê, xê”, không được đọc “a, bờ, cờ”. Do đó, chúng ta thường nói: Hãy kẻ một đoạn thẳng AB “a-bê” thay vì “a-bờ”;
– Khi đọc tên một công văn/ quyết định mà có phần chữ cái. Ví dụ: …. ĐHSP-QĐ thì phải đọc là “đê-hát-ét-pê-quy-đê” (chữ S s có 2 tên gọi: ét-sì/ ét-sờ, gọi tắt là ét), không đọc là “đờ-hờ-sờ-pờ-quờ-đờ” hoặc đan xen, lẫn lộn âm và tên con chữ.
– …
Như vậy, khi chúng ta nói: Hãy viết chữ “bê”, chữ “xê”,… mới đúng. Vì trong ngữ cảnh này, chúng ta cần phải gọi tên con chữ. Nhưng, tại sao giáo viên lớp 1 đều tương tác với học sinh rằng: Em hãy viết chữ “bờ”, chữ “cờ” ?
Như thầy đã từng nói, giữa kiến thức khoa học chuyên ngành với kiến thức giảng dạy cho học sinh phổ thông không hoàn toàn trùng khớp. Bởi vì, khi thiết kế chương trình, biên soạn sách giáo khoa, các nhà khoa học phải nhìn ở nhiều góc độ khác nhau, như khoa học chuyên ngành, tâm lí học, giáo dục học,… làm sao để phù hợp khả năng tư duy của mỗi lứa tuổi, giúp học sinh tiếp cận dễ nhất mà không ảnh hưởng nhiều đến kiến thức khoa học.
Trên cơ sở đó, chúng ta thấy một trong những yêu cầu cần đạt đối với học lớp 1 là “đọc đúng với tốc độ phù hợp và đọc hiểu nội dung đơn giản của văn bản”. Chính vì vậy, kiến thức tiếng Việt ở lớp 1 tập trung vào âm, vần, thanh, quy tắc chính tả,… Vì vậy, để học sinh dễ dàng trong việc tập đọc, không bị rối giữa âm và tên con chữ thì giáo viên diễn đạt là: Em hãy viết chữ “bờ”, chữ “cờ”. Nó sai về kiến thức khoa học tiếng Việt nhưng lại đúng ở góc độ phương pháp, kĩ thuật dạy học. Bởi, khi học sinh nhìn vào chữ “C, c” biết đọc là “cờ” thì khi đánh vần tiếng “cá: cờ-a-ca-sắc-cá” một cách dễ dàng. Còn nếu dạy cho học sinh là chữ “xê” thì các em sẽ đánh vần “xê-a-xa-sắc –> xá” sẽ đọc sai âm. Đó là lí do tại sao chúng ta không dạy cho học sinh lớp 1 phân biệt âm và tên con chữ.
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc và bình luận.
Biết ơn tất cả. ❤️❤️❤️
P/S: Bài này viết này tặng cho bạn nhắn tin hỏi. Mặc dù có đề cập lí do thiệt là thật thà “Hôm thầy dạy em ngủ gật nên nhớ nhớ quên quên”  , nhưng thầy vẫn viết tặng hỉ 😍. Chịu hỏi để học là quý lắm rồi. 👍

Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay