Remon: Hôm nay em 6 tuổi, anh Tony 9 tuối! (Giọng hồn nhiên, vui vẻ giống như phát hiện một điều gì đó rất mới)
Tony: Bây giờ Mon 7 tuổi rồi. (Giọng hơi nghiêm nghị)
Thế là cuộc tranh luận trong nước mắt bắt đầu.
Remon: Em học lớp Một, em mới 6 tuổi mà!
Tony: Hôm trước qua sinh nhật Mon rồi nên Mon giờ là 7 tuổi rồi nhóc. Không biết thì thôi đi!
Remon: Nhưng Mon 6 tuổi mà! (Gào khóc trong sự ấm ức) Mẹ ơi! Con 6 tuổi mà anh Ny bảo 7 tuổi kìa!
Mẹ: Em Mon nói đúng rồi. Qua Tết mới 7 tuổi. (Gương mặt mẹ không vui khi sáng sớm đã thấy 2 anh em gây sự với nhau)
Tony: Mẹ khi nào cũng bênh – bênh em hết! Qua sinh nhật là tính 7 tuổi. (Cậu càng ấm ức hơn cả người em của mình, gào khóc càng to hơn). Mẹ khi nào cũng em em hết, lúc nào em cũng đúng hết,… Khỏi cần có con trên đời này nữa!…
Ba trong phòng tắm bước ra nhìn thấy 2 thiên thần nhỏ mắt đang đẫm lệ nhìn nhau với thái độ ăn thua tới cùng. Trong khi đó mẹ đang cố để bảo vệ quan điểm của người em “Làm anh thì phải….”. Ba liền nói: Mẹ Hương để đó cho ba!
Ba quỳ xuống ôm người con trai cả vào lòng, cảm nhận những tiếng nấc như muốn đẩy trái tim ra khỏi lồng ngực của cậu bé vậy!
Ba: Con trai của ba sao vậy nè! Con bình tĩnh nghe ba nói nha!
Tony: Không! (Một câu trả lời rất dứt khoát và chắc nịch) Ba mẹ khi nào cũng em, em!
Ba: Thế con đã biết ba sẽ nói gì chưa mà lại nói ba như thế. Nói như vậy là ba buồn lắm đó người anh em của tôi ạ! (2 cha con thường đóng vai 2 người bạn thân hoặc 2 người anh em để cùng tâm sự những chuyện được cho là BÍ MẬT – nên cần BẬT MÍ cho nhau).
Tần số tiếng nấc thưa dần, 2 bàn tay nhỏ đã chịu đưa lên ôm ba.
Ba: Con đã sẵn sàng nghe ba nói chưa?
Tony: Dạ (nấc…nấc…). Dạ… Ba nói đi!
Ba: Theo ba, việc này cả con và em đều đúng. Con thật thông minh khi tính từ ngày sinh ra đến sinh nhật của năm sau là tròn 1 năm và được tính là 1 tuổi. Hồi nhỏ, ông nội chỉ cho ba vụ này, ba mới biết đó!… Nhưng, mẹ và em cũng không sai nha! Con biết vì sao ba nói vậy không?
Tony: Dạ (nấc…). Không!
Ba: Với văn hoá của người Việt, đón Tết – qua giao thừa (đêm 30 Tết – đêm mà mình xem bắn pháo hoa đó) thì người ta tính thêm 1 tuổi. Cho nên, sáng Mồng Một Tết ba thường mừng tuổi hay gọi là lì xì cho mẹ, con và em đó!
Tony: Nhưng mẹ nói con sai…
Ba: Thôi mà! Để ba nói nghe nè! Giống như ba đi dạy, có lúc ba thử đưa ra tình huống là ba viết một con số 9 thật to nằm ngang trên bảng. Sau đó, ba hỏi các anh chị sinh viên đây là số mấy? Có anh chị bảo là số 9, có anh chị bảo đó là số 6 nhưng cũng có anh chị bảo số 9 hay số 6 đều đúng vì tuỳ theo góc nhìn nào. Con thử đi lấy bút lông viết lên bảng con số 9 thử xem nào!
Tony: Khỏi viết! Con biết rồi! Lật ngược số 9 là số 6 chứ gì! (Lúc này có vẻ cậu đang cố gắng kiểm soát tiếng nấc của mình)
Ba: Đúng rồi. Sao hay vậy ta. Nói sơ là hiểu liền ha! Bây giờ huề nha! Cười cái coi!
…
Sau mấy giây, anh tự đi lấy khăn lau mặt, vui vẻ chào ba mẹ và em rồi lấy xe đạp đi học.
Qua câu chuyện trên, gửi tới những ai đang làm cha, làm mẹ của những người con đang độ tuổi đi học, khi dạy con chú ý đừng áp đặt, đừng thiên vị. Hãy chịu khó lắng nghe và đặt mình ở vị trí các con để hiểu con hơn, từ đó có cách xử lí tình huống trở nên tốt đẹp hơn.
Mỗi chúng ta nên dành một khoảng thời gian nhất định tập trung trong sự tĩnh lặng để NỘI SOI TÂM HỒN MÌNH xem có bị tổn thương chỗ nào không? Nếu có thì hãy cố gắng giúp con mình và những người xung quanh mình tránh bị giống như vậy. Không nên làm tổn thương bất kì ai. Chúng ta đều là những con NGƯỜI, cần phải có con NGƯƠI, mà con NGƯƠI cần phải Huyền (Đối với chủng người Việt nói riêng, người châu Á nói chung, con ngươi thường màu đen, đen huyền. Ví dụ: Đôi mắt huyền.) mới đẹp. Chúng ta đến với nhau trong một khoảng thời gian nhất định. Nói đời người là 100 năm, nhưng khó có ai ở với nhau được chừng ấy năm. Ngay cả đấng sinh thành hay vợ con với bản thân mình.
Bạn đã sẵn sàng ngồi xuống Nội Soi Chính Mình chưa? Thử một lần xem sao! Thú vị lắm đấy!
Lê Văn Trung