tâm lí/ tâm lý, kí tên/ ký tên, hi vọng/ hy vọng, chính qui/ chính quy, quí bà/ quý bà,… có vẻ như đang nhảy múa/ đổi vai cho nhau khá nhiều lần trên cùng một văn bản. Điều rất nhỏ nhưng cũng khiến nhiều người khựng lại khi viết.
Trung nhớ trong một lần ra Huế, được ngồi nói chuyện với một thầy giáo dạy Toán đã về hưu. Chuyện rằng:
– Thầy bảo: Chính tả tiếng Việt rắc rối thật đó thầy.
– Trung bèn hỏi: Dạ. Thưa thầy. Thầy thấy rắc rối chỗ nào ạ!
– Nội 2 chữ “i: i ngắn” và “y: i dài” đó. Nó cứ nhảy loạn xạ. Để tôi kể cho thầy nghe: Hôm trước, trong buổi tôi dạy thêm, đầu bảng tôi ghi “Định lý” đến giữa bảng không hiểu sao tôi lại ghi “định lí”. Thế là có đứa học trò hỏi “Thầy ơi, cho con hỏi tí: Khi nào viết i, khi nào thì viết y ạ. Vì con thấy trên bảng thầy viết khác nhau”. Tôi giật mình, không biết trả lời thế nào, đành hẹn buổi học sau trả lời. Thế là tối hôm đó, tôi lập tức lên mạng vào website của một số cơ quan đáng tin cậy thì cũng thấy cùng một từ trong cùng một bài viết nhưng i và y cũng nhảy loạn xạ.
– Dạ. Thế buổi học sau đó, thầy giải thích thế nào ạ?
– Tôi bảo với chúng nó: Muốn viết chữ nào thì viết, miễn là nghĩa không thay đổi. Tôi giải thích như vậy được không thầy?
– Dạ. Thầy giải thích đúng như tinh thần mấy lâu nay đó ạ!
Vấn đề này thuộc về chính tả, đã là chính tả thì cần phải có quy tắc – quy tắc chính tả tiếng Việt. Ví dụ: Đầu câu phải viết hoa (nếu không viết hoa là sai); dấu thanh phải được đặt ở trên hoặc dưới âm chính “mái nhà, mạnh khoẻ,…”, trường hợp âm chính là nguyên âm đôi được viết bằng các kí hiệu ia, ua, ưa thì dấu thanh đặt ở trên hoặc dưới chữ cái thứ nhất “bìa, lụa, lửa,…”, được viết bằng các kí hiệu iê, yê, uô, ươ thì dấu thanh đặt ở trên hoặc dưới chữ cái thứ hai “biển, thuyền, nhuộm, được,…”,… Nếu người viết không tuân thủ quy tắc thì được cho là vi phạm quy tắc chính tả tiếng Việt. Như vậy i và y cũng cần có những quy tắc nhất định.
Chính vì thế, 25/05/2018, BGDĐT ra văn bản số: 1989/QĐ-BGDĐT (xem file đính kèm). Trong đó có đề cập đến trường hợp nêu trên (Điều 9, chương IV):
– Trường hợp i đứng ngay sau phụ âm đầu thì được viết bằng chữ i, ví dụ: hi vọng, kỉ niệm, lí luận, mĩ thuật, bác sĩ, tỉ lệ,…
– Trường hợp tên riêng thì phải viết đúng như tên riêng đó, ví dụ: bản Vy, Vi Văn Định, Nguyễn Vỹ, Thy Ngọc,…
Theo quy tắc như vậy thì những trường hợp đã nêu ở đầu bài viết sẽ được viết là: tâm lí, kí tên, hi vọng, chính quy, quý bà,…
Các bộ sách giáo khoa theo chương trình phổ thông mới (2018) đều phải tuân thủ quy tắc chính tả này.
Hi vọng bài chia sẻ này có phần hữu ích cho một số bạn đọc.
Lê Văn Trung