NHÂN (có nghĩa là người, ví dụ: nhân công, nhân loại,…), CHI (là hư từ, có nghĩa như từ “của” trong lớp từ thuần Việt), SƠ (nghĩa là ban đầu, ví dụ: nguyên sơ, hoang sơ,…), TÍNH (là đặc trưng tâm lí trong việc đối xử, ví dụ: đức tính, cá tính), BẢN (còn gọi là BỔN, có nghĩa là gốc, ví dụ: căn bản, cơ bản,…), THIỆN (nghĩa là lành, tốt, ví dụ: lương thiện, thân thiện,…). Như vậy, nghĩa của câu này là “Thuở sơ khai của một con người vốn có đức tính rất tốt, không gây ác hại cho ai”.
Ông bà ta còn có câu rằng “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”, cha mẹ chỉ sinh con (phần CON, tức là phần NHÂN 人 như trong bài viết trước), còn ông trời sẽ sinh ra tính cách của mỗi người (tức là phần NGƯỜI – phần NHÂN 仁 ở trong bài viết trước). Chính vì vậy, tuy cùng anh em trong một nhà nhưng tính cách lại khác nhau.
Câu NHÂN CHI SƠ TÍNH BẢN THIỆN ban đầu tôi dùng cụm từ “lúc mới sinh ra” và chuyển nghĩa nguyên câu là “Con người lúc mới sinh ra thì đức tính vốn rất tốt, không gây ác hại cho ai” như trước đây thường dùng. Nhưng tôi cảm thấy không ổn. Diễn đạt như vậy thì có người sẽ hiểu rằng con người được tính từ khi lọt lòng, chào đời, tức là từ khi ra khỏi bụng mẹ. Nhưng thực tế không phải như vậy. Con người không thể tính từ lúc sinh ra được, mà cần phải tính từ lúc có hình hài trong bụng mẹ (thuở sơ khai). Người ta gọi là thai nhi (THAI chỉ ấu thể bên trong bụng mẹ, tức là cơ thể con đang hình thành bên trong bụng mẹ, ví dụ: Mang thai, bào thai, phôi thai,…; NHI: con, trẻ con, ví dụ: hài nhi, nữ nhi,…; THAI NHI có nghĩa chỉ đứa con còn trong bụng mẹ). Tại sao tôi phải làm rõ nghĩa như vậy? Vì điều này liên quan đến vấn đề giáo dục sớm, vấn đề quan điểm “trời sinh tính” đã được đề cập.
P/S: Nhìn sơ đồ Chu Kì Sống Của Con Người mà ngẫm lại và tự hỏi mình còn được bao lâu. Chắc sắp tới… rồi.
Lê Văn Trung