NIỀM TIN là thứ khó lấy lại nhất!

Ông cha thật khéo lựa chọn từ ngữ “NIỀM TIN”, NIỀM là danh từ đơn vị, chỉ từng tâm trạng, trạng thái tình cảm cụ thể (thường vào loại hợp ý muốn) mà con người trải qua. Ví dụ: Niềm vui. Niềm kiêu hãnh. TIN có nghĩa cho là đúng sự thật, là có thật, đặt hoàn toàn hi vọng vào người nào hay cái gì đó,… Ví dụ: Có nhìn thấy tận mắt mới tin; Nửa tin nửa ngờ; Tin ở bạn; Tin ở sức mình;…

Sao lại nói khéo chọn từ TIN? Như chúng ta biết, trong tiếng Việt lớp từ Hán Việt chiếm số lượng rất lớn. Trong lớp từ này có từ TÍN (Chữ Hán viết là 信, gồm có bộ NHÂN “người” đứng trước, sau đó là bộ NGÔN “ngôn ngữ, lời nói”, có dịp sẽ phân tích kĩ hơn về chữ Hán này) có nghĩa là đức tin của con người biết trọng lời hứa và biết tin nhau. Ví dụ: Sống với nhau cốt ở chữ tín.

Ông cha ta chọn từ TIN thay vì từ TÍN để đi với từ NIỀM, tôi thấy hay tuyệt! TIN mang thanh ngang (thuộc nhóm thanh bằng), đọc lên âm điệu của nó đều, bằng phẳng, dễ đọc và có sức lan toả rộng. TÍN mang thanh sắc (thuộc nhóm thanh trắc), âm điệu của nó vút lên, không bằng phẳng, khó đọc hơn và sự lan toả của nó không bằng, bị khựng lại ở một nốt nào đó. Đọc NIỀM TIN có cảm giác nhẹ nhàng, thanh tịnh biết bao! Có cảm giác như muốn bay đi, lan toả rộng hơn nữa đi, đến với nhiều người hơn nữa đi,…

Người Việt coi trọng điều này nên đã chọn từ thuần Việt “TIN”, đúng với bản chất của người Việt, luôn hướng tới những điều tốt đẹp. Tôi là người Việt, tôi tự hào là người Việt, tôi có niềm tin mãnh liệt rằng xã hội của chúng ta sẽ ngày một tốt hơn, con cháu của chúng ta ngày càng thông minh hơn, giỏi giang hơn,…

Nếu đánh mất lòng tin sẽ đánh mất cả một thế hệ: cha – con, anh – em, vợ – chồng, bằng – hữu, chủ – tớ, dân – đảng,… đều cần phải tạo niềm tin cho nhau, phải trọng chữ “TÍN”.

Hôm đăng bài lên facebook kể về chuyện tranh cãi giữa 2 anh em, ngày hôm sau con trai cả sang nhà hàng xóm, không hiểu sao cậu biết chuyện ba viết về cậu công khai trên facebook. Chạy về hỏi ba:

– Ba viết chuyện của em và con cãi nhau trên facebook đúng không?

– Ừm! (Giọng ba bình thường nói to và rõ. Sao lần này nó cứ nghẹn trong họng. Trong đầu nghĩ “Chết rồi! Mình sai thật rồi!”)

– Ba xin phép con chưa? (Giọng rất nghiêm nghị và tôi cảm nhận được ánh mắt rất nghiêm túc của cậu)

– Ồ! Ba xin lỗi con! (Lúc đó tìm không ra một lí do nào đó để lấp liếm cho sự sai sót này. Thế là làm sao nói vậy, chứ lấp liếm thì sai lại chồng lên sai). Khi ba viết, con đang ngủ, nên ba nghĩ sẽ nói với con sau. Lần sau nếu viết về con, trước khi đăng ba sẽ xin phép con nha, nha nha! (Nựng má cậu một cái cho hạ hoả.)

– Ba đăng lên ba phải đổi tên khác chứ.

– Ba nghĩ nếu đổi tên khác người ta cũng biết là con của ba à. Hay là ba sửa thành Tèo/ Tony Tèo/ Tèo Tẹo, còn Remon thì đổi thành Mèo/ Méo Mèo Meo nha?

– Hì hì. Nghe kì lắm!

– Ba viết toàn khen con giỏi không à. Đây này! Con đọc thử xem.

Sau khi cậu đọc xong, cậu quay qua choàng tay ôm cổ ba lắc lư mấy cái rồi nói “Ba có khiếu viết văn đó! Con tự hào về ba!”. Ừ! Câu này nghe quen quen. Mỗi khi cậu viết bài văn gì đó đều đưa cho ba đọc, đọc xong ba hay khen những câu như thế này, mặc dù bài văn chưa đạt đến mức phải khen như thế.

Người lớn chúng ta đừng nghĩ rằng con trẻ không hiểu chuyện. Thực tế các con hiểu hết, vấn đề là mình có tạo điều kiện/ cho phép chúng đưa ra quan điểm của mình hay không thôi.

Có những anh chị muốn con mình tự tin, nhưng lại muốn kiểm soát tất cả, con phải nghe lời, phải ngoan, phải và phải… (muốn đệm tiếng láy vào quá! May mà kiềm chế được )

Có nhiều cha mẹ lén đọc trộm nhật kí của con. Ừ! Đọc để hiểu con hơn, để điều chỉnh cách dạy cho phù hợp tâm sinh lí của con. Đứng ở góc độ đó là tốt thiệt. Nhưng đừng để con biết nhé! Vì khi đã mất niềm tin thì khó mà lấy lại được.

Có một chị gọi điện tâm sự với Trung:

– Thầy ơi! Con gái lớn của em đang học lớp 7, gần đây bé suốt ngày ở trong phòng, hỏi thì nói, không hỏi thì thôi. Em thấy có gì đó không ổn thầy ạ!

– Ừ! Nghe chị nói thì không ổn thiệt rồi. Tình trạng này bao lâu rồi chị?

Dạy ngôn ngữ, mà tự dưng dạo này trở thành nhà tư vấn giáo dục mới chết! Nghĩ bụng: Thôi! Người ta tin tưởng mình mới gọi, ráng giúp người ta, ít nhất cũng cho họ có cơ hội nói để giảm “sờ trét”.

– Dạ, mới hơn 1 tuần nay thầy ạ.

– Vậy, chị cố gắng nhớ lại xem điều gì khiến bé thay đổi như vậy?

– Bé ở nhà suốt ngày cầm ipad lên mạng xem phim, lướt facebook,… thầy ạ. (Giọng chị thể hiện sự bức xúc, kể với thái độ như vạch trần những thói hư tật xấu của con.)

– Sao chị biết là bé ở nhà không chịu học bài mà suốt ngày lên mạng.

– Dạ. Em gắn camera theo dõi thầy!

– Hả? Theo dõi con em chứ!

– Hè hè! Học thầy rồi mà không sửa được lỗi này! (Cười hơi ngại ngùng nhưng rất dễ thương.)

– Thế bé có biết chị gắn camera theo dõi bé không?

– Dạ. Biết rồi thầy ạ. Hôm đó bé ở nhà một mình. Trước khi đi làm em bảo ở nhà tập trung mà học hành đi. Đến cơ quan em mở điện thoại quan sát. Thấy nó vừa ngồi học được chừng 30 phút, thế là mở ipad quẹt quẹt. Em gọi về nói ngay “Sao mới ngồi học một chút đã lấy ipad chơi rồi?”. Ban đầu còn cãi, sau đó không hiểu sao tự nhiên nó nhìn thẳng vào camera và tắt máy cái rụp. Từ đó nó cứ lầm lầm lì lì vậy đó.

– Chị sai thiệt rồi! Niềm tin là thứ quý giá nhất chị ạ. Nó đi theo chúng ta xuyên suốt cuộc đời. Đến lúc lâm chung, chúng ta còn tin là sẽ được trở về với cõi vĩnh hằng mà! Nó quý như vậy, sao chị lại để con mất lòng tin chứ! Chính chị không tin con, con không tin chị thì sao mà nói chuyện với nhau được!… (Tôi nói giống như cha xứ giảng đạo vậy. Nhiều khi cảm thấy mình nhập tâm vào nhân vật cũng khá đạt đấy chứ!). Bây giờ chị có muốn sửa sai không?

– Dạ. Có thầy ạ! Thầy chỉ em với. Em biết mình sai rồi!

– Về nhà, cầm tay con, ôm vào lòng càng tốt, nói lời xin lỗi với con đi. Thể hiện lòng yêu thương vô bờ bến của người mẹ. Hãy nói là mẹ tin con, mẹ tự hào về con. Sau đó nói ra mong muốn của chị về con, tâm sự như một người bạn chị nha! Hãy là một người mẹ thông thái và đầy yêu thương! (Tôi nói như thể là một nhà tư vấn tâm lí thực thụ.)

Hãy trao nhau NIỀM TIN!

Lê Văn Trung

Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay