Dùng cụm từ “quan điểm dạy học” nghe lớn lao quá! Mà cần phải nói là quan điểm của Trung về dạy học thì đúng hơn.
Thưa các bạn, con người của chúng ta có 5 giác quan hướng ngoại đó là THỊ GIÁC, THÍNH GIÁC, KHỨU GIÁC, VỊ GIÁC và XÚC GIÁC, chưa kể giác quan thứ 6. Tạo hoá đã ban cho chúng ta những giác quan này để cảm nhận thế giới xung quanh mình: trắng/ đen, xa/ gần, đẹp/ xấu, to/ nhỏ, trầm/ bổng, thơm/ thúi, chua/ ngọt, thiện/ ác,…
Vậy, trong dạy học, chúng ta hãy cố gắng làm cho người học thoả mãn các giác quan này. Người học mà tôi nhắc đến ở đây có thể là học sinh, sinh viên, con cái của chúng ta, những người xung quanh chúng ta. Tôi thường nhắc nhở sinh viên của mình: Hãy cố gắng thoả mãn các giác quan trên thì công việc dạy học trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều, sẽ nhận được nhiều năng lượng tích cực hơn. Cụ thể như sau:
1) THỊ GIÁC
Ai chẳng muốn ngắm nhìn cái đẹp (dưới nhãn quang của mỗi người sẽ cảm nhận cái đẹp khác nhau). Vậy, khi lên lớp chúng ta cần phải:
– Ăn mặc đẹp, ít nhất thì quần áo phải tươm tất, lịch sự một chút. Đây là điểm cộng đầu tiên mà người học ban cho mình. Bạn nhớ lại xem, có những tiết học khi thầy cô giáo bước vào lớp thì cả lớp đồng thanh “Ồ…ồ…!”, tiếng “ồ” ấy có nghĩa là khen “Thầy/ cô hôm nay đẹp quá!”.
– Trình bày bảng/ slides trình chiếu (bố cục, chữ viết,…) phải đẹp, rõ ràng. Tuỳ thuộc vào sở trường của mỗi người, cố gắng khai thác để tiết học đạt hiệu quả hơn.
– Hành động đẹp (tư thế giảng bài, ngôn ngữ cơ thể,…). Không nên ngồi một chỗ giảng bài, cần ưu tiên đứng giảng để có thể tương tác với người học nhiều hơn. Hạn chế dùng ngón tay, đặc biệt là tuyệt đối không dùng ngón tay giữa để trỏ về phía học sinh. Nên dùng cả 2 bàn tay phối hợp nhịp nhàng để có những động tác lôi cuốn sự tập trung của người học. Khi phấn gãy hay rơi xuống bục giảng thì chịu khó cúi xuống nhặt lên ngay kẻo một lúc sau sẽ dẫm lên làm dơ bục giảng. Những hành động tuy nhỏ nhặt như thế, nhưng học sinh học được khá nhiều đó. Nó sẽ đi vào tiềm thức và sẽ hành động giống như thầy cô của mình vậy.
…
2) THÍNH GIÁC
Ai chẳng muốn nghe điều hay lẽ phải, những lời nghe lọt lỗ tai. Vì thế hãy nói điều hay với học sinh của mình, nhìn vào mặt tích cực của học sinh, khen các em để động viên, khuyến khích các em. Ấy vậy mà, có người vẫn thích mắng nhiếc, chì chiết, hù doạ học sinh. Những lời như thế này các em đâu muốn nghe đâu, trong khi mình muốn các em nghe mình cơ mà. Như vậy rõ ràng là mâu thuẫn rồi còn gì. Nếu chưa quen, bạn có thể soạn ra một số câu khen học sinh rồi tập nói trước gương, như: Con giỏi quá! Học trò của cô tuyệt vời! Con thông minh quá! Cả lớp cho một tràng pháo tay cổ vũ cho bạn… nào!,…
Các bạn đã thấy hỉnh ảnh cái gối và bức tường trong bài viết trước. Nếu sau một ngày làm việc mệt nhọc trở về nhà thấy chiếc gối đầy hình vẽ, bức tường được phủ kín như thế, hẳn rất nhiều người sẽ la mắng và thậm chí đánh cho thẳng nhỏ một trận ra trò. Nhưng bình tĩnh nghĩ lại, la con, đánh con thì cái gối và bức tường đó có trở lại được như xưa nữa không? Rõ ràng, người lớn chúng ta ai cũng biết câu trả lời, nhưng cứ la, cứ dạy cho nó một trận đã. Đó là hành động trong vô thức, tiềm thức đang chỉ đạo bạn. Nếu là cha mẹ thông thái, bạn sẽ bình tĩnh và khen bé vẽ đẹp, ví dụ: “Ồ! Con trai của ba vẽ đẹp quá! Sau này dám chừng là một hoạ sĩ đó nha! Bức tranh bố cục rất cân đối nè, có thuyền, có người, có chim,… đẹp thật!”. Sau đó phân tích cho bé hiểu là nên vẽ ở chỗ nào. Và trong nhà nên chuẩn bị sẵn lốc (ram) giấy A4 (khoảng 100.000 đồng) để con có thể vẽ bao nhiêu tuỳ thích.
– Âm lượng đủ to, rõ. Tôi dùng từ “đủ”, bởi vì tuỳ thuộc vào không gian mà chúng ta điều chỉnh âm lượng cho phù hợp để làm sao em đứng gần mình không bị quá chói tai, khó chịu và em ở xa hơn vẫn có thể nghe rõ được lời mình nói.
– Tốc độ vừa phải, không quá nhanh để các em nắm kịp thông tin, cũng không quá chậm vì sẽ dẫn đến trạng thái ru ngủ.
– Giọng nói cố gắng điều chỉnh sao cho về chuẩn phổ thông. Chuẩn mà tôi đề cập ở đây không phải chuẩn theo phương ngữ Bắc (giọng Hà Nội), chuẩn ở đây tôi tạm gọi là chuẩn phổ thông, tức là phát âm rõ ràng, âm nào ra âm nấy. Ví dụ: lòng lợn (không nói là nòng nợn), sao (không nói thành xao), ăn (không phát âm thành eng), bao (không nói thành bô), uống sữa (không phát âm thành uống sựa), nhiều chuyện (không nói thành nhiều chiệng),… Tức là phát âm cần phải tròn vành rõ chữ. Ông bà ta thường nói nhập gia phải tuỳ tục, vậy việc chúng ta chuyển đến một địa phương khác sinh sống và làm việc thì chúng ta phải điều chỉnh, thay đổi giọng nói để dễ hoà nhập hơn. Đừng đặt nặng quan niệm “chửi cha không bằng pha tiếng”, mình nói giọng của địa phương họ tức là mình tôn trọng họ, muốn họ hiểu mình nói. Trung quê ở Nghệ An, nhưng khi giảng bài đều dùng giọng phổ thông, lên Đăk Lăk, Bình Phước,… xuống Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ,… nói ai cũng hiểu. Nhưng mỗi khi về quê thì vẫn có thể trở về với nguyên bản, tôi yêu chất giọng quê hương tôi. Nói đến đây nhớ mấy câu thơ của nhà thơ Bùi Vợi “Răng chưa sang nhởi nhà choa/ Bà o đã nhốt con ga trong chuồng”. (Nếu có dịp Trung sẽ viết hoặc quay clip hướng dẫn sửa lỗi phát âm)
…
3) KHỨU GIÁC
Các bạn biết không, tôi vẫn còn nhớ những cảm giác ngồi trên ghế nhà trường. Có những giờ dạy, cô giáo ăn mặc rất đẹp, mùi nước hoa thoang thoảng, cô vừa đi vừa giảng, cử chỉ điệu bộ thật duyên dáng biết bao! Tôi cứ chăm chú nghe, mắt không rời cô giáo, cứ mong cô giáo tiến gần về phía mình hơn nữa để được cảm nhận trọn vẹn mùi hương ấy. Tự dưng tinh thần phấn chấn hơn, não sáng hơn, học bài tốt hơn rất nhiều.
Suy từ chính chúng ta sẽ hiểu học sinh của mình hơn. Như vậy khi lên lớp ít nhất quần áo phải thơm tho một tí. Không có nước hoa cũng được, nhưng hạn chế để có mùi khó chịu.
Trong cuộc đời học sinh, chắc chắn sẽ có rất nhiều người đã từng dành thời gian nhiều hơn để học cho giỏi một môn nào đó chỉ vì thích, quý, ngưỡng mộ thầy cô.
…
4) VỊ GIÁC
Có người bảo đâu phải dạy nấu ăn đâu mà phải thoả mãn vị giác. Trong dạy học, đặc biệt là giáo viên tiểu học mà không để ý thì sai sót lắm. Mua kẹo để sẵn trong túi xách, mỗi lần học sinh trả lời đúng hay năng nổ tham gia hoạt động trên lớp thì thưởng cho em 1 viên kẹo (Nhớ mỗi lần 1-2 viên thôi nhé! Vì cái gì nhiều sẽ không còn quý nữa.). Tôi tin rằng, không có viên kẹo nào ngon bằng kẹo cô cho. Thấy đứa bạn ngồi kế bên được thưởng kẹo, thấy nó ăn mà mình thèm tứa nước miếng, trong đầu sẽ tự động viên mình là “Hãy tập trung, câu hỏi tiếp theo nhất định mình sẽ xung phong để được ăn kẹo. Nhìn cái miệng con nhỏ kế bên mà thấy ghét à!”. Như vậy tạo ra một không khí học tập tích cực đấy chứ! Nhưng, đã không mua thì thôi, khi đã mua thì chọn kẹo ngon một chút. Đặc biệt là kẹo có màng bọc bên ngoài. Vì sao vậy, có những đứa trẻ thích để dành lắm, để đem về khoe cha khoe mẹ rồi mới ăn. Tôi nhớ một hôm đến trường đón con trai thứ 2 học lớp 1, khi thấy ba đi tới, mắt bé sáng lên và liền thò tay vào túi lấy ra viên kẹo Alpenliebe khoe ba: “Ba ơi! Con được cô thưởng kẹo nè ba! Ba bóc dùm con đi ba!” Ôi! Kẹo ở nhà đâu thiếu, để sẵn trong tủ lạnh đó, nhưng cậu có quan tâm bao giờ đâu. Nhìn thấy con ăn sao mà ngon thế! Liền ghé vào tai bé nói “Ba thèm quá à!”. Bé hồn nhiên trả lời “Vậy, hôm sau đi học ba phải xung phong trả lời mới được cô thưởng kẹo nha!”. “Ừm. Cảm ơn con! Ba nhất định sẽ xung phong trước các bạn.” (Tôi nói với giọng biết ơn thực sự.)
…
5) XÚC GIÁC
Một cái đập tay “High five”, một cái xoa đầu, hơn thế nữa là một cái ôm vào lòng,… nó sẽ xoá đi tất cả những khoảng cách giữa cô và trò. Chỉ khi nào khoảng cách này càng ngắn lại thì cô và trò lại càng được xích lại gần nhau hơn. Xích lại gần nhau hơn thì mới thấu hiểu nhau hơn. Thấu hiểu nhau hơn thì tương tác mới hiệu quả hơn. Bản thân tương tác hiệu quả hơn thì cảm thấy tự tin, mạnh dạn hơn. Tự tin hơn thì sẽ siêng năng phát biểu hơn. Siêng năng phát biểu hơn thì học sẽ giỏi hơn và phát triển được nhiều kĩ năng hơn,… Bạn thấy tôi nói có lí không? Chẳng ai thèm trò chuyện với người luôn cố tình đứng xa với mình cả! Suy nghĩ lại, xem phim các kênh của một số nước phát triển, đặc biệt là châu Âu, châu Mỹ,… tôi thấy hầu như phòng học của họ không có bục giảng. Có lẽ chính cái bục giảng cao khoảng 20-50 cm hữu hình đó nhưng nó vô hình trung đã tạo thêm khoảng cách giữa cô và trò chăng!? Theo Trung có thể đó cũng là một trong số các lí do mà họ không thiết kế bục giảng.
Mỗi lần tôi đi đón con, trước khi tiếp cận con, tôi phải cất xe gọn gàng, luôn trong tư thế thoải mái để ôm con vào lòng, tuỳ vào địa lí nơi mình đứng, cố gắng hạ thấp mình xuống, quỳ được càng tốt để ôm và đón nhận cái ôm của con rồi nói những lời yêu thương. Điều này nếu bạn muốn thực hành cũng đừng chờ khi đón con nhé! Bất kể khi nào nói chuyện, tương tác với con, nếu được, bạn hãy làm như thế đi. Vì sao lại cần làm như vậy? Bởi vì trẻ cảm thấy người đang nói chuyện với mình cũng ngang tầm mắt mình, cũng như bạn mình thôi nên sẵn sàng chia sẻ. Khoảng cách ấy đã được xoá đi từ bao giờ!
Có thầy cô khai thác chỗ này rất sáng tạo: lên mạng tìm các biểu tượng “Icon” về bàn tay, nắm đấm, cùi chỏ, bàn chân,… in ra và dán ngay cửa lớp cách vị trí cô giáo đứng một khoảng cách nhất định. Trước khi vào lớp học sinh sẽ lấy tay chạm vào biểu tượng mà mình hôm nay muốn tương tác với cô, cô giáo đứng gần đó sẽ có 1-3 giây để chuẩn bị và sẵn sàng tương tác với học sinh…
Hạn chế kí đầu, nhéo tai, khẽ tay,… các con. Con cần phải được dạy trong tình yêu thương để hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp trên cái phông nền tâm hồn đầy vô tư, trong sáng ấy.
Có người bảo rằng ông bà ta thường có câu “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, nên dạy là phải đánh, đánh mới thành nhân. Có cách nào khác hơn không: Thương vẫn cho ngọt cho bùi được mà! Dạy sao không cần đánh mà vẫn thành nhân mới giỏi chứ! Câu nói của ông bà ta được trích ở trên, theo Trung nghĩ đó chỉ là sự an ủi người bị đánh thôi, để họ nguôi ngoai sự bất mãn, để họ nghĩ rằng điều đó có nghĩa là cha mẹ, thầy cô đang yêu thương mình nên cần chú ý học tập hơn.
Trẻ nhỏ chính là bản sao của chúng ta. Bản gốc tốt thì bản sao chắc chắn sẽ đẹp. Vậy chúng ta không cần phải truy tìm cái gốc của ta nữa. Mà tập trung NỘI SOI chính bản thân chúng ta để sửa lỗi và tự nâng cấp thành phiên bản khác để khi tạo ra bản sao tiếp theo được tốt đẹp hơn.
Có những cách cư xử, những hành động nó vào tiềm thức mình từ khi nào không hay. Bộ não nó lượm lặt thông qua các giác quan, nó ghi nhớ ở đâu đó. Đến khi gặp tình huống và tự động điều khiển chúng ta hành động giống như những người từng hành động, cư xử với chúng ta trước đó. Cho nên có những người làm tổn thương người khác nhưng họ vẫn cười, vẫn vui và vẫn cho là họ đúng. Gặp những người thế này thì bạn hãy mở lòng thương họ. Cứ để họ vui tức thời, và cứ mong họ sớm biết NỘI SOI CHÍNH MÌNH để bản thân họ và những người xung quanh đỡ khổ. KHỔ mà không biết KHỔ là vậy! Nói toạc ra thế này nhé! Bạn hay đánh con, hay chửi thề, hay chì chiết người khác,… thì hồi nhỏ hoặc trước đó trong một thời gian dài, bạn cũng thường bị như thế. Não bộ của bạn tự động ghi lại và điều khiển bạn hành động như vậy luôn. Cho nên bạn cũng chính là nạn nhận. Vì thế bạn phải thức tỉnh để NỘI SOI và sửa nó càng sớm càng tốt để tạo ra bản sao tốt hơn. Xã hội sẽ tốt đẹp hơn!
Trên đây là quan điểm của Trung về dạy học mà bấy lâu nay đang cố gắng áp dụng. Hi vọng bài viết này giúp bạn có thêm góc nhìn về việc dạy học của mình (dạy học sinh, dạy con và tương tác với người xung quanh).
Lê Văn Trung