TÔ CANH

Cuộc hội thoại về món canh diễn ra trong một lần đi cắt tóc:

A: Phải công nhận là người miền Trung không giàu mới lạ!

B: Sao vậy anh?

A: Ở xóm trọ tôi có hai vợ chồng người miền Trung mới vào, họ sống tằn tiện, tiết kiệm lắm anh ạ.

B: Đúng rồi. Người miền Trung họ rất nổi tiếng về sự chịu khó, chịu khổ mà.

A: Sao phải sống khổ vậy trời! Anh biết không, họ nấu canh chỉ có rau không à. Thậm chí luộc rau, họ còn để nước lại làm canh mới ghê. Đúng là không giàu mới lạ anh ha.

Nghe giọng, tôi biết chắc quê anh ở miền Tây Nam Bộ, một chất giọng rất đặc trưng, có cảm giác nhè nhẹ, dễ thương, thật là gần gũi. Có lẽ, do tôi nói giọng phổ thông nên anh không biết rằng tôi cũng là người đến từ miền Trung thân thương. Giọng anh có vẻ không hài lòng với sự tằn tiện quá mức như vậy. Tôi nghe với thái độ rất cầu thị, rồi hỏi anh:

B: Anh đã từng dùng thử nước rau muống luộc chưa? Ngon lắm đấy! Anh luộc rau xong, để nước nguội một chút, thêm gia vị bột ngọt, muối và nước cốt chanh rồi dùng. Tối nay về làm thử nha!

A: À! Nước rau muống thì mấy năm gần đây em thỉnh thoảng cũng ăn. Nhưng nước luộc bắp cải họ cũng ăn luôn mới ghê! (Trong lòng nghĩ: Anh chàng này cũng rảnh thiệt, hàng xóm ăn gì biết hết à!)

B: Ừ! Hôm trước mình đi làm về muộn quá, nên đã làm ăn thử. Sau khi vớt bắp cải ra, anh cho 2 trái cà chua đã xắt nhỏ vào nấu sôi lần nữa, nêm nếm gia vị cho vừa ăn và đừng quên cho một ít tiêu xay vào. Ăn có vị thanh của cà chua và mùi thơm của tiêu xay, đơn giản nhưng cảm thấy cũng ngon lắm. Thịt cá riết cũng ngán!

Tô canh của người miền Trung – nơi tôi sinh ra đơn giản như thế. Hầu như chỉ có rau mà thôi. Nhiều khi nghĩ và tự an ủi rằng: Người dân quê mình đi trước thời đại, bởi vì khoa học bây giờ đã chứng minh là ăn thịt nhiều không tốt cho sức khoẻ. Cho nên, bây giờ có nhiều nhà giàu thường ăn bắp ngô, khoai, rau,… – những món mà nhà nghèo trước đây hay dùng.

Viết đến đây tôi lại cảm thấy thèm cái cảm giác giữa trưa hè nóng bức, khi gió Lào thổi về, người mồ hôi nhễ nhại, cầm chén (tiếng Nghệ An gọi là đọi) cơm chan đầy nước rau muống kèm thêm một hai quả cà muối mặn. Vị thanh mát của nước rau muống, vị mặn của cà pháo, tiếng húp sùn sụt, tiếng giòn rộp của cà hoà quyện vào nhau thành một món ăn rất đặc biệt của quê tôi.

Món cà muối ở quê tôi trước đây muối rất mặn, muối một lần rất nhiều để dành ăn trong nhiều tháng. Trước khi muối phải phơi nắng cho cà héo bớt, khi muối thì dùng vật nặng đè lên để một thời gian khá lâu, trái cà ngấm muối, teo lại, khiến khi ăn có vị mặn và giòn, rất đặc trưng. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh mẹ cắn từng trái cà ăn hết phần hạt và để dành cho con phần vỏ. Vì theo mẹ hạt không tốt cho con và nó quá mặn. (Nhớ mẹ!)

Cà để lâu mặn quá thì có thể đem ra cắt làm đôi, rửa bỏ hết hạt, phi hành mỡ rồi cho cà vào xào. Đây là món ăn với cơm cũng rất tuyệt!

P/S:

Ba ngày Tết ăn những món bánh chưng, thịt kho tàu, chả lụa,… nhiều cũng ngán. Nên Trung viết về vài món ăn dân dã, thanh đạm.

Bài viết sau Trung sẽ chia sẻ về đặc điểm vùng miền qua tô canh trong bữa ăn hàng ngày.

Cảm ơn quý anh chị em đã đọc.

Lê Văn Trung

Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay